Các câu hỏi thường gặp

  • Điều kiện dự tuyển

    Câu hỏi 1: Chương trình Thạc sĩ Chính sách công (MPP) có yêu cầu ứng viên phải tốt nghiệp một chuyên ngành cụ thể nào không?

    Không. Vì chương trình MPP có tính liên ngành nên nếu ứng viên có bằng đại học ở bất cứ chuyên ngành nào đều có thể tham gia dự tuyển vào chương trình MPP. Vui lòng tham khảo thêm thông tin trong mục Điều kiện dự tuyển.

    Câu hỏi 2: Những người làm việc ngoài khu vực nhà nước có được tham gia dự tuyển chương trình MPP không?

    Có. Trường hoan nghênh tất cả mọi đối tượng tham gia dự tuyển, không phân biệt khu vực nhà nước, tư nhân, hay dân sự nhưng phải đảm bảo các Điều kiện dự tuyển của trường.

    Câu hỏi 3: Trường có sự ưu tiên nào trong việc tuyển chọn học viên không?

    Các đối tượng sau đây sẽ nhận được sự ưu tiên nhất định trong quá trình xét tuyển:

    o Các cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là ở cấp tỉnh, thành phố và địa phương.

    o Những người làm việc ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số.

    o Các nữ ứng viên.

    Câu hỏi 4: Ứng viên đã từng đăng ký dự thi chương trình MPP ở các khóa trước nhưng không trúng tuyển có thể tham gia ứng tuyển năm nay được không?

    Được. Ứng viên chỉ cần đáp ứng các yêu cầu ở mục Điều kiện dự tuyển để có thể ứng tuyển vào chương trình MPP năm nay.

    Câu hỏi 5: Trường hợp nào thì ứng viên phải học các môn bổ sung kiến thức?

    Để đáp ứng điều kiện dự thi, ứng viên sẽ phải học bổ sung kiến thức theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nếu chưa đáp ứng được 01 trong các điều kiện sau: (i) bằng đại học không thuộc ngành Kinh tế / Quản lý; hoặc (ii) chưa có chứng nhận hoàn thành chương trình chuyển đổi (bổ sung kiến thức) để dự thi cao học kinh tế của các trường đại học khác. Vui lòng liên hệ Ban tuyển sinh để được hướng dẫn cụ thể từng trường hợp.

  • Hồ sơ dự tuyển

    Câu hỏi 6: Ứng viên có thể nộp đơn ứng tuyển cùng một lúc cho cả 2 chuyên ngành (Phân tích Chính sách, và Lãnh đạo & Quản lý) của chương trình MPP được không?

    Không. Ứng viên sẽ chọn 1 chuyên ngành, hoặc Phân tích Chính sách, hoặc Lãnh đạo & Quản lý, để nộp hồ sơ dự tuyển. Trường hợp ứng viên muốn thay đổi chuyên ngành ứng tuyển trước hạn cuối nộp hồ sơ, vui lòng liên hệ Phòng Đào tạo để được hướng dẫn thêm.

    Câu hỏi 7: Ứng viên có thể xin mẫu đơn ứng tuyển để điền và nộp hồ sơ dự tuyển trực tiếp tại Trường Fulbright được không?

    Không. Nhà Trường đã xây dựng hệ thống "Nộp hồ sơ trực tuyến" để ứng viên nộp đơn ứng tuyển. Ứng viên điền hồ sơ theo các bước như hướng dẫn. Nhà trường khuyến khích ứng viên mở tài khoản trên "Nộp hồ sơ trực tuyến" sớm để biết được các thông tin cần thiết cho việc chuẩn bị hồ sơ dự tuyển. Nhà Trường không nhận hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.

    Câu hỏi 8: Bài tiểu luận có ý nghĩa như thế nào trong bộ hồ sơ?

    Bài tiểu luận là một phần đặc biệt quan trọng trong hồ sơ của ứng viên và có ý nghĩa như một bài thi. Bài tiểu luận sẽ giúp Hội đồng xét tuyển hiểu được động lực tham gia học chương trình MPP của ứng viên, cũng như đánh giá được ý nghĩa của Chương trình đối với tương lai phát triển sự nghiệp của ứng viên, và những nguyện vọng và tiềm năng đóng góp cho xã hội sau khi ứng viên tốt nghiệp chương trình MPP. Ứng viên chuyên ngành Phân tích chính sách sẽ viết bài tiểu luận bằng tiếng Anh. Ứng viên chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý sẽ viết bài tiểu luận bằng tiếng Việt.

    Câu hỏi 9: Sau khi đăng tải các bản scan bằng cấp và bảng điểm lên hồ sơ trực tuyến, ứng viên có cần gửi bản sao công chứng đến địa chỉ của Trường không?

    Không. Nhà Trường không yêu cầu ứng viên gởi bản sao công chứng đến địa chỉ của Trường. Để tham gia dự tuyển, ứng viên được yêu cầu đăng tải bản scan tất cả bằng cấp và bảng điểm lên hồ sơ dự tuyển trực tuyến. Chỉ khi trúng tuyển ứng viên mới cần nộp các bản sao công chứng cho nhà Trường trước khi nhập học.

    Câu hỏi 10: Ứng viên nên dựa vào các tiêu chí nào để lựa chọn những người giới thiệu phù hợp như yêu cầu của hồ sơ dự tuyển?

    Người giới thiệu mà ứng viên đưa vào hồ sơ dự tuyển nên là những người thực sự hiểu về ứng viên, đặc biệt là về triển vọng phát triển nghề nghiệp, khả năng học tập, năng lực lãnh đạo và quản lý. Người giới thiệu có thể là giáo sư, đồng nghiệp, và / hoặc người quản lý trực tiếp trong công việc của ứng viên. Người giới thiệu không thể là người thân hoặc bạn bè của ứng viên.

    Câu hỏi 11: Hạn chót nộp hồ sơ là khi nào?

    Hạn chót nộp hồ sơ là 23h59 ngày 09 tháng 8 năm 2020.

  • Quy trình tuyển sinh

    Câu hỏi 12: Kỳ thi tuyển sinh của Trường Fulbright được tổ chức ngày nào và ở địa điểm nào?

    Trong năm 2020, kỳ thi tuyển sinh sẽ được tổ chức cho thí sinh chuyên ngành Phân tích chính sách vào ngày 05/09/2020 tại 2 địa điểm: Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Khi nộp đơn dự tuyển, ứng viên có thể đăng ký một trong 2 địa điểm trên để tham dự kỳ thi tuyển sinh.

    Những thí sinh chuyên ngành Lãnh đạo & Quản lý sẽ được xét tuyển, không qua thi tuyển.

    Câu hỏi 13: Bài thi tuyển sinh môn Kỹ năng định lượng và Tiếng Anh có định dạng như thế nào và kiểm tra kiến thức gì?

    Cả hai bài thi đều được thiết kế dưới dạng các câu hỏi trắc nghiệm. Một số câu hỏi mẫu sẽ được cập nhật lên website của Trường tại đây. Lưu ý là các câu hỏi mẫu này chỉ nhằm giúp ứng viên tham khảo để tự chuẩn bị. Nhà trường không tổ chức ôn thi.

    Bài thi Kỹ năng định lượng (60 phút, tiếng Việt) kiểm tra kiến thức toán về số học, đại số và hình học. Bài thi không kiểm tra nội dung toán giải tích.

    Bài thi Tiếng Anh (60 phút) kiểm tra năng lực tiếng Anh về ngữ pháp và đọc hiểu, tương đương trình độ IELTS 5.5 (đối với chuyên ngành Phân tích Chính sách). Vui lòng tham khảo ở Quy trình tuyển sinh để biết về những trường hợp được miễn thi tiếng Anh.

    Câu hỏi 14: Các giáo trình nào ứng viên có thể tham khảo để tự ôn thi?

    Các ứng viên có thể tham khảo nội dung thi Kỹ năng định lượng và Kỹ năng phân tích trong các tài liệu luyện thi GRE (Graduate Record Examinations) truyền thống – là bài thi trắc nghiệm đầu vào được sử dụng phổ biến trong các chương trình sau đại học trên thế giới.

    Câu hỏi 15: Chứng chỉ tiếng Anh nào được công nhận đối với ứng viên chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý?

    Ngoài bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học ngành tiếng Anh; hoặc bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học mà ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Anh (không qua phiên dịch); các chứng chỉ tiếng Anh sau sẽ được công nhận đối với ứng viên chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý nếu chứng chỉ còn trong thời hạn 2 năm (tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ):

    - IELTS quốc tế tối thiểu 4.5
    - TOEIC 450
    - iBT TOEFL tối thiểu 45
    - Chứng chỉ B1 của các đơn vị sau: Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế, Trường ĐH Sư phạm TP. HCM và Trường ĐH Cần Thơ.

    Câu hỏi 16: Lịch thi chứng chỉ tiếng Anh đối với ứng viên chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý như thế nào?

    * IELTS (Academic) 

    1. Đơn vị tổ chức: IDP

    Để biết thêm thông tin về ngày thi, hạn chót đăng ký, và địa điểm thi, vui lòng tham khảo: https://www.idp.com/vietnam/ielts/offsite-test-dates/

    Liên hệ:
    - Tại TP.HCM: Số 36 Mạc Đĩnh Chi, Q. 1, TP. HCM. ĐT: 1900 6955
    - Tại Đà Nẵng: Số 10 Ngô Gia Tự, Hải Châu, Đà Nẵng. ĐT: 1900 6955
    - Tại Hà Nội: Số 15-17 Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội. ĐT: 1900 6955 

    Weblink: https://www.idp.com

    2. Đơn vị tổ chức: Hội đồng Anh

    Để biết thêm thông tin về ngày thi, hạn chót đăng ký, và địa điểm thi, vui lòng tham khảo: https://www.britishcouncil.vn/thi/ielts/le-phi-dia-diem

    Liên hệ:
    - Tại TP.HCM: Số 195 Điện Biên Phủ, Q. Bình Thạnh, TP. HCM. ĐT: 1800 1299
    - Tại Hà Nội: Số 20 Thụy Khê, Tây Hồ, Hà Nội. ĐT: 1800 1299 

    Weblink: https://www.britishcouncil.vn

    * iBT TOEFL

    1. Đơn vị tổ chức: IIG Việt Nam

    Lịch thi (*): https://www.iigvietnam.com/vi/component/lichthi/lichthi.html?Itemid=539&baithi=9
    - 11,18,26/04/2020
    - 10,16,24,30/05/2020
    - 13,20/06/2020

    Liên hệ:
    - Tại TP.HCM: Tầng 1, Tháp 1, Tòa nhà The Sun Avenue, Số 28 Mai Chí Thọ, Q. 2, TP. HCM. ĐT: 02829905888
    - Tại Đà Nẵng: Số 19 Hoàng Văn Thụ, Q. Hải Châu, Đà Nẵng. ĐT: 0236 3565 888
    - Tại Hà Nội: Tầng 3, Trung Yên Plaza, Số 1, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. ĐT: 024 36495 999

    Weblink: https://www.iigvietnam.com

    * B1

    1. Đơn vị tổ chức: Đại học Sư phạm TP. HCM

    Lịch thi (*):
    - 15/04/2020. Hạn chót đăng ký: 03/04/2020
    - 23/05/2020. Hạn chót đăng ký: 05/05/2020
    - 20/06/2020. Hạn chót đăng ký: 01/06/2020
    - 25/07/2020. Hạn chót đăng ký: 03/07/2020

    Liên hệ: Phòng B. 601-602, Số 280 An Dương Vương, Q. 5, TP. HCM.
    ĐT: 028 383 55084

    Weblink: https://cet.hcmue.edu.vn

    2. Đơn vị tổ chức: Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng

    Lịch thi (*):
    - 24/05/2020. Hạn chót đăng ký: 10/4/2020
    - 30/05/2020. Hạn chót đăng ký: 15/05/2020

    Liên hệ: Số 131 Lương Nhữ Học, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng.
    ĐT: 0236 3699 335

    Weblink: http://thongtindaotao.ufl.udn.vn

    3. Đơn vị tổ chức: Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế

    Lịch thi (*): 18/04/2020; 23/05/2020; 29/05/2020; 20/06/2020; 25/07/2020; 08/08/2020.

    Hạn nộp hồ sơ: 15 ngày trước ngày thi

    Liên hệ: Số 57 Nguyễn Khoa Chiêm, Huế.
    ĐT: 0234 3817300

    Weblink: http://flpac.hucfl.hueuni.edu.vn

    4. Đơn vị tổ chức: Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội

    Để biết thêm thông tin về ngày thi, hạn chót đăng ký, và địa điểm thi, vui lòng tham khảo: http://vstep.vnu.edu.vn

    Liên hệ: Trung tâm Khảo thí – Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN, Tầng 6, tòa nhà A1.
    ĐT: 024 626 01376

    Weblink: http://vstep.vnu.edu.vn

    5. Đơn vị tổ chức: Đại học Hà Nội

    Lịch thi (*):
    - 12/04/2020. Hạn chót đăng ký: 30/03/2020 – Trước 16:00, 08/04/2020
    - 26/04/2020. Hạn chót đăng ký: 13/04/2020 – Trước 16:00, 22/04/2020
    - 09/05/2020. Hạn chót đăng ký: 13/04/2020 – Trước 16:00, 29/04/2020
    - 10/05/2020. Hạn chót đăng ký: 20/04/2020 – Trước 16:00, 06/05/2020
    - 24/05/2020. Hạn chót đăng ký: 11/04/2020 – Trước 16:00, 20/05/2020

    Liên hệ: Km 9, đường Nguyễn Trãi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam.
    ĐT: 024 385 44 338; Fax: (84-24)38544550.
    E-mail: hanu@hanu.edu.vn; tuyensinh@hanu.edu.vn

    Weblink: http://hanu.vn/vn/

    6. Đơn vị tổ chức: Đại học Sư phạm Hà Nội

    Lịch thi (*): Lịch thi năm 2020 chưa được cập nhật.

    Hạn nộp hồ sơ: Liên hệ trực tiếp với Trường

    Liên hệ: Trung tâm Đảm bảo chất lượng, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội,
    ĐT: 024 3754 7823. Máy lẻ: 616, 618.
    Email: tt.khaothi@hnue.edu.vn

    Weblink: hnue.edu.vn

    7. Đơn vị tổ chức: Đại học Thái Nguyên

    Lịch thi (*):
    - 18/04/2020. Hạn chót đăng ký: 10/04/2020
    - 30/05/2020. Hạn chót đăng ký: 22/05/2020

    Liên hệ: Trung tâm Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục – ĐH Thái Nguyên. Phòng 406, Nhà T1 – ĐHTN, P. Tân Thịnh, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
    ĐT: 0208 3646 929

    Weblink: http://trungtamkhaothi.tnu.edu.vn

    8. Đơn vị tổ chức: Đại học Cần Thơ

    Lịch thi (*): 15-16-17/05/2020

    Hạn chót đăng ký: 20-24/04/2020

    Liên hệ: Trung tâm Đánh giá Năng lực Ngoại ngữ. Lầu 6, Nhà điều hành, khu II, Đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.
    ĐT: (0292) 3872295.
    Email: ttdgnlnn@ctu.edu.vn

    Weblink: https://cfla.ctu.edu.vn

    (*) Lịch dự kiến, có thể thay đổi theo đơn vị tổ chức và nơi tổ chức.

    Câu hỏi 17: Ứng viên cần chuẩn bị những gì cho buổi phỏng vấn?

    Đối với chuyên ngành Phân tích chính sách, chỉ những ứng viên đạt tối thiểu 50% thang điểm đối với mỗi môn thi mới được xem xét mời phỏng vấn. Mục đích của vòng phỏng vấn nhằm giúp chúng tôi hiểu rõ hơn những thông tin mà ứng viên đã cung cấp trong hồ sơ dự tuyển. Đồng thời, qua vòng phỏng vấn ứng viên sẽ có cơ hội thể hiện rõ hơn về năng lực và trao đổi cụ thể hơn về định hướng nghề nghiệp của mình với Hội đồng tuyển sinh. Buổi phỏng vấn sẽ được thực hiện bằng tiếng Anh.

    Đối với ứng viên chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý, mục đích của vòng phỏng vấn nhằm giúp chúng tôi hiểu rõ hơn những thông tin mà ứng viên đã cung cấp trong hồ sơ dự tuyển. Đồng thời, qua vòng phỏng vấn ứng viên sẽ có cơ hội thể hiện rõ hơn về năng lực và trao đổi cụ thể hơn về định hướng nghề nghiệp của mình với Hội đồng tuyển sinh. Buổi phỏng vấn sẽ được thực hiện bằng tiếng Việt.

  • Chương trình đào tạo

    Câu hỏi 18: Điểm khác biệt của Chương trình MPP chuyên ngành Phân tích Chính sách, và Chương trình MPP chuyên ngành Lãnh đạo & Quản lý là gì?

      Chương trình MPP (Phân tích chính sách) Chương trình MPP (Lãnh đạo & Quản lý) 
    Định hướng Chú trọng tính học thuật và nghiên cứu, tập trung vào hoạch định và phân tích chính sách Chú trọng tính ứng dụng, tập trung phát triển kinh năng lãnh đạo và quản lý
    Đối tượng dự tuyển

    Có bằng tốt nghiệp đại học

    Có ít nhất 02 năm kinh nghiệm công tác toàn thời gian

    Có bằng tốt nghiệp đại học

    Có ít nhất 05 năm kinh nghiệm công tác toàn thời gian

    Số tín chỉ 57 46
    Môn học cốt lõi Nhập môn Chính sách công

    Luật

    Kinh tế học vi mô 1

    Kinh tế học vi mô 2

    Kinh tế lượng 1

    Kinh tế lượng 2

    Phương pháp nghiên cứu

    Nhập môn Chính sách công

    Luật

    Kinh tế học quản lý

    Thống kê và phân tích dữ liệu

    Quản lý công

    Lãnh đạo trong khu vực công

    Lập kế hoạch ngân sách và quản lý tài chính

    Thương lượng

    Địa điểm học Trường Fulbright, cơ sở Phú Mỹ Hưng. Học viên có thể đăng ký khoá học tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ
    Trường Fulbright, cơ sở Phú Mỹ Hưng

    Học viên có thể đăng ký khoá học tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ

    Hình thức đào tạo Tập trung toàn thời gian trong 15 tháng
    Bán thời gian trong 18 tháng
    Ngôn ngữ giảng dạy

    80% môn học được giảng dạy bằng tiếng Việt

    20% số môn học còn lại được giảng dạy bằng tiếng Anh.

    Chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt

    Các bài giảng của giảng viên quốc tế bằng tiếng Anh sẽ được phiên dịch sang tiếng Việt trên lớp.

    Câu hỏi 19: Học viên có thể vừa đi làm vừa tham gia chương trình MPP không?

    Đối với chuyên ngành Phân tích Chính sách, đây là chương trình đào tạo tập trung, toàn thời gian và kéo dài trong 15 tháng. Chương trình học hàng tuần từ thứ Hai đến thứ Sáu, buổi sáng từ 8g30 đến 11g45 và buổi chiều từ 13g30 đến 16g45. Với một số môn được tổ chức học chung với chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý, học viên sẽ học từ thứ Hai đến Chủ nhật, buổi sáng từ 8g30 đến 11g45 và buổi chiều từ 13g30 đến 16g45. Với lịch học và cường độ học rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực và tập trung cao độ nên nhà trường yêu cầu tất cả học viên phải dành toàn bộ thời gian cho việc học tập và không được làm việc trong thời gian theo học. Học viên sẽ được yêu cầu rời khỏi Trường nếu vừa học vừa làm hoặc đang theo học tập trung ở một nơi khác.

    Đối với chuyên ngành Lãnh đạo & Quản lý, đây là chương trình đào tạo bán thời gian, kéo dài 18 tháng. Học viên có thể vừa đi làm, vừa tham gia chương trình. Cứ mỗi hai tháng học viên sẽ tập trung một đợt 8 ngày, từ chiều thứ Bảy tuần này đến hết sáng Chủ nhật tuần sau, buổi sáng từ 8g30 đến 11g45 và buổi chiều từ 13g30 đến 16g45.

  • Học bổng và học phí

    Câu hỏi 20: Nếu trúng tuyển vào Chương trình MPP chuyên ngành Phân tích Chính sách, học viên sẽ phải đóng học phí như thế nào?

    Học viên của chương trình MPP chuyên ngành Phân tích Chính sách sẽ được tài trợ 100% học phí trong thời gian học tại trường (trị giá 508 triệu đồng). Học bổng không bao gồm chi phí chỗ ở, sách vở, các sinh hoạt ngoại khóa, các môn học ngoài chương trình và các chi phí cá nhân khác.

    Câu hỏi 21: Nếu trúng tuyển vào Chương trình MPP chuyên ngành Lãnh đạo & Quản lý, học viên sẽ phải đóng học phí như thế nào?

    Học viên của chương trình MPP Lãnh đạo và Quản lý được nhận học bổng bán phần tương đương 50% học phí đối với số tín chỉ tối thiểu phải hoàn thành (trị giá 210 triệu đồng). Học viên sẽ đóng 50% học phí còn lại theo quy định của Trường, trị giá 210 triệu đồng/học viên. Học phí không bao gồm học phí các môn học tự chọn (ngoài 12 tín chỉ theo yêu cầu), khóa học tại Đại học Harvard, chi phí sách vở, các hoạt động ngoại khóa, chi phí thực địa và các chi phí cá nhân.

    Câu hỏi 22: Học phí của Chương trình MPP chuyên ngành Lãnh đạo & Quản lý sẽ được đóng thành như thế nào?

    Học phí của Chương trình MPP Lãnh đạo & Quản lý sẽ được đóng tùy thuộc vào số tín chỉ mà học viên đăng ký mỗi học kỳ (trung bình 12 tín chỉ / học kỳ).

    Câu hỏi 23: Ứng viên Chương trình MPP Lãnh đạo & Quản lý có thể xin học bổng toàn phần không?

    Ứng viên có thành tích xuất sắc và điều kiện kinh tế khó khăn có thể được cấp học bổng lên tới 100% học phí. Kết quả học bổng sẽ được thông báo cùng với kết quả xét tuyển vào chương trình.

  • Các vấn đề khác

    Câu hỏi 24: Nếu tôi trúng tuyển vào Chương trình trong năm nay nhưng không thể tham gia học theo quy định, ứng viên có thể bảo lưu kết quả trúng tuyển cho năm sau không?

    Không. Trường không có chính sách bảo lưu kết quả trúng tuyển của ứng viên. Nếu ứng viên trúng tuyển nhưng không thể tham gia học theo thời gian quy định sẽ bị loại khỏi danh sách trúng tuyển. Khi có điều kiện, nếu muốn học chương trình MPP của Trường, ứng viên sẽ phải nộp hồ sơ dự tuyển và tham dự kỳ thì tuyển sinh vào các năm sau như những ứng viên mới.

    Câu hỏi 25: Nếu trúng tuyển, Trường có cung cấp chỗ ở cho học viên ngoài TP. Hồ Chí Minh hay không?

    Trường sẽ giới thiệu chỗ ở cho học viên gần khu vực trường. Học viên trực tiếp liên hệ và sắp xếp việc thuê chỗ ở phù hợp với nhu cầu cá nhân.

    Câu hỏi 26: Nếu cần được tư vấn về hồ sơ dự tuyển hoặc có thắc mắc về chương trình, ứng viên sẽ liên hệ với ai?

    Ứng viên vui lòng liên hệ Phòng Đào tạo để được hỗ trợ.

Bạn có câu hỏi nào thêm không?