Bài giảng của Hiệu trưởng Trường Kennedy (Harvard) tại Fulbright
January 28, 2020

Bài giảng của Hiệu trưởng Trường Kennedy (Harvard) tại Fulbright

January 28, 2020

Ngày 14 tháng 1 năm 2020 vừa qua, Đại học Fulbright Việt Nam đã vinh dự đón Tiến sĩ Doug Elmendorf, Hiệu trưởng trường Harvard Kennedy (HKS) đến thăm và giảng bài nhân dịp kỷ niệm 25 năm hợp tác lịch sử giữa Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) và HKS.

Trong bài phát biểu của mình, TS. Elmendorf đã đề cập đến năm yếu tố đang định hình thế sự và chính sách công toàn cầu: nhân khẩu học và tăng trưởng năng suất, mức lãi suất thấp, bất công bằng thu nhập và mức sống trì trệ, chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc.

Đề cập đến nhân khẩu học, TS. Elmendorf chỉ ra một vấn đề lớn cần được quan tâm hiện nay, đó là chăm sóc cho dân số đang già hóa. Trên thế giới, nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tỷ lệ sinh thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao. Mặc dù đây là thành công của việc chăm sóc sức khỏe toàn dân và kế hoạch hóa gia đình, thực trạng này mang đến nhiều thách thức cho tăng trưởng kinh tế bền vững, khi mà dân số cao tuổi chiếm tỷ lệ cao hơn dân số trong độ tuổi lao động. Ở Việt Nam, với tốc độ già hóa dân số nằm trong nhóm các nước cao nhất trong khu vực, dự kiến dân số cao tuổi sẽ tăng gấp đôi trong vài thập kỷ tới. Việc này sẽ đặt gánh nặng lên hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe cá nhân, đòi hỏi những thay đổi sâu sắc về điều kiện sống và các giải pháp mới về giao thông.

Tăng trưởng năng suất, thường được coi là liên hệ trực tiếp đến cải thiện mức sống, cũng là một thước đo sự thành công của nền kinh tế. Tuy nhiên, bất chấp những đột phá về công nghệ thông tin và công nghệ dữ liệu lớn trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đang có tăng trưởng năng suất tương đối chậm. TS. Elmendorf chỉ ra một số nguyên nhân có thể dẫn đến vấn đề này. Ở một số quốc gia tiên phong về công nghệ, những bước đột phá mới sẽ ngày càng khó khăn hơn. Một số quốc gia khác gặp vấn đề trong việc sử dụng vốn và các nguồn lực một cách hiệu quả, nhất là khi đầu tư không phải lúc nào cũng đem lại kết quả như mong muốn. Quyền sở hữu không chặt chẽ cũng có thể là một lý do, bên cạnh đó là việc giải quyết bất đồng kém hiệu quả, dẫn đến đầu tư tiếp tục bị cản trở. Bên cạnh đó là những yếu tố như thiếu hụt đầu tư công vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế. Chính vì vậy, tăng trưởng năng suất có thể không được như mong đợi, khiến các nhà hoạch định chính sách khắp thế giới đau đầu tìm giải pháp.

 

 

Elmendorf còn chỉ ra mức lãi suất thấp kỷ lục, đối với Mỹ và các thị trường vốn lớn khác. Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này vẫn chưa được làm rõ, tuy nhiên khả năng bao gồm suy giảm nhu cầu đối với đồng đô-la và các loại ngoại tệ dùng trong đầu tư, thay đổi trong mô hình tiết kiệm có liên quan đến bất công bằng thu nhập, hay sự gia tăng chú trọng đến tính an toàn và thanh khoản ở các thị trường vốn. Theo ông, những nghiên cứu đáng tin cậy nhất cho thấy xu hướng này vẫn sẽ còn tiếp tục. Mặt tích cực là các chính phủ có thể lợi dụng xu hướng này làm đòn bẩy để cấp vốn cho nhiều dự án đầu tư công hơn. Tuy nhiên, thách thức được đặt ra là sự hạn chế tính linh hoạt của các ngân hàng trung ương trong việc kích thích các nền kinh tế đình trệ bằng các chính sách tiền tệ, ví dụ như tiếp tục làm giảm lãi suất hơn nữa. Để đối phó với suy thoái kinh tế trong tương lai, vai trò của các nhà nghiên cứu là rất quan trọng nhằm tìm ra những phương án kích thích kinh tế khác ngoài các chính sách tiền tệ.

Về vấn đề bất công bằng thu nhập, có thể thấy thu nhập được phân bố một cách phân hóa hơn trước. Điều này liên quan đến tốc độ tăng trường chậm cũng như sự đình trệ và suy giảm chất lượng sống. Sự bất công này ngày càng trầm trọng ở Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác, và thậm chí được dự báo sẽ không có nhiều cải thiện trong tương lai. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến vấn đề này, trong đó có những nguyên nhân mang tính toàn cầu – trong đó phải kể đến thay đổi về công nghệ. Việc các công cụ kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo ngày càng được sử dụng một cách rộng rãi chủ yếu có lợi cho những tầng lớp có học thức. Bên cạnh đó, toàn cầu hóa cũng là một yếu tố. Khi mà thế giới ngày càng kết nối chặt chẽ, nhiều cơ hội mới được mở ra, tuy nhiên không phải ai cũng có thể nắm bắt. Những cá nhân có học thức, có kỹ năng và thường xuyên dịch chuyển sẽ cạnh tranh được trong một thế giới rộng lớn hơn, trong khi những người chưa đủ năng lực sẽ ngày càng tụt lại phía sau.

Bất bình đẳng mức sống gia tăng

Toàn cầu hóa có thể đem lại những lợi ích chung cho xã hội, nhưng không phải ai cũng được hưởng lợi, đặc biệt là khi không có những chính sách cụ thể. Sự nâng cao các tiêu chuẩn chung và vai trò của các thể chế công cũng có ảnh hưởng nhất định. Ở Mỹ, mức lương của giới tinh hoa ngày càng tăng cao, trong khi mức lương tối thiểu thì không có nhiều cải thiện. Ngược lại, nhiều quốc gia châu Âu chứng kiến sự chênh lệch thu nhập không quá nghiêm trọng nhờ có vai trò của các hàng hóa công cộng được cấp vốn nhờ mức thuế cao. Nhờ đó mà phần đông dân số được bảo vệ khỏi tác hại của những tác nhân này.

Theo TS. Elmendorf, chủ nghĩa dân túy trỗi dậy một phần do sự bất bình đẳng về mức sống ngày càng gia tăng, trong khi mức sống trung bình ít được cải thiện. Rất nhiều người trên khắp thế giới cảm thấy các nhà lãnh đạo đang ưu ái cho giới tinh hoa, thay vì đặt lợi ích của phần đông xã hội lên hàng đầu. Những người có thế mạnh tài chính đang tìm cách tách biệt mình khỏi số đông còn lại. Ở Mỹ, người da màu, phụ nữ và cộng đồng LGBTQI+ dần có tiếng nói hơn trong xã hội, nhưng cũng có những cộng đồng khác đang ngày càng rơi vào yếu thế. Lượng người nhập cư đang ở mức cao lịch sử đã mang đến nhiều lợi ích to lớn cho toàn xã hội, tuy nhiên, một số người Mỹ cảm thấy mất phương hướng và lo ngại về việc thiếu kiểm soát đối với những thay đổi xã hội mà họ không được hưởng lợi một cách trực tiếp.

 

 

Mặc dù một số khía cạnh của toàn cầu hóa có thể có lợi cho một số nhóm nhất định, vẫn tồn tại nguy cơ những lợi ích đạt được trong nhiều thập kỷ qua sẽ dần mất đi. Người ta sẽ chú trọng hơn đến các chính sách thuế và quy định liên quan đến đối tượng ngoài giới thượng lưu. Cũng không loại trừ khả năng sẽ có các chính sách di cư chặt chẽ hơn, hạn chế sự chuyển dịch dân cư toàn cầu. Mặt khác, một dấu hiệu lạc quan trong hoạch định chính sách là sự chú trọng hơn đến tác động phân phối của chính sách. Thay vì chỉ tập trung vào gia tăng tổng thu nhập hay GDP trong nước, người ta quan tâm nhiều hơn đến việc tăng thu nhập cho những người không được hưởng lợi trực tiếp từ những thay đổi xã hội hoặc đang làm việc trong những lĩnh vực gặp nhiều khó khăn.

Cuối cùng, Tiến sĩ Elmendorf đề cập đến chủ nghĩa dân tộc, dù có liên quan nhưng khác hẳn với chủ nghĩa dân túy. Như đã đề cập ở trên, nhiều người cho rằng toàn cầu hóa kinh tế đem lại nhiều tác hại hơn ích lợi. Trong khi đó, phần lớn giới tinh hoa ủng hộ thương mại toàn cầu và gia tăng di cư. Giới tinh hoa được coi là có nhiều kết nối và tương đồng với các quốc gia khác hơn là với nhân dân trong nước. Điều này củng cố mối e ngại dân túy rằng giới tinh hoa nâng đỡ lẫn nhau hơn là cống hiến cho đồng bào của họ. Những người theo chủ nghĩa dân túy có được sự tín nhiệm bằng cách đặt lợi ích của đất nước mình lên trên lợi ích các quốc gia khác. Luận điểm này ngày càng có sức nặng trong công luận, đi kèm với đó là những đề xuất thắt chặt nhập cư. Đối với TS. Elmendorf, mức độ căng thẳng giữa các quốc gia có thể sẽ ngày càng tăng cao hơn trong vài năm tới.

 

 

Khép lại bài giảng, Tiến sĩ Douglas Elmendorf nhấn mạnh, mặc dù tồn tại những tác nhân ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế sự, mỗi quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng theo những cách khác nhau. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của dịch vụ công, cả từ phía chính phủ, xã hội dân sự hay các doanh nghiệp tư nhân, hướng đến phục vụ những nhu cầu công cộng. Bằng cách nỗ lực không chỉ vì lợi ích riêng, mà còn cống hiến vì lợi ích của cộng đồng, việc hoạch định chính sách tốt và hợp lý có sức mạnh để tạo ra xã hội an toàn hơn, tự do hơn, lành mạnh hơn và thịnh vượng hơn. Trước câu hỏi của một sinh viên về việc làm thế nào thế hệ trẻ Việt Nam có thể phụng sự đất nước một cách tốt nhất khi đối mặt với các nhân tố toàn cầu đó, Tiến sĩ Elmendorf đưa ra lời khuyên:

"Khai thác niềm đam mê của bạn và những người xung quanh, đồng thời kết hợp nó với nghiên cứu và giáo dục. Đây là cách sẽ các bạn có được những công cụ để giải quyết tốt nhất các thách thức mà bạn phải đối mặt. Đây là cách để bạn có tác động rõ rệt hơn đến thế giới xung quanh. Tuân thủ các nguyên tắc nhưng giữ cho tâm trí luôn cởi mở. Giữ vững các giá trị của mình để thay đổi thế giới là rất quan trọng, nhưng hãy nhớ rằng có thể không phải lúc nào bạn cũng đúng. Lắng nghe và cố nhìn nhận từ những quan điểm khác chính là cơ hội để học hỏi, để trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả hơn, phụng sự nhu cầu và tiếng nói của đông đảo công chúng hơn."

Antoine R. Touch – Anh Thư

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.' Bạn cũng có thể tùy chỉnh cho các loại cookies, sau đó chọn 'Đóng Quản trị Cookie' khi hoàn thành.