Hoạt động nghiên cứu
Hoạt động nghiên cứu của FSPPM đa dạng, bao trùm nhiều lĩnh vực chính sách quan trọng như kinh tế vĩ mô, kinh tế phát triển, tài chính công, giáo dục đại học, cơ sở hạ tầng, thẩm định đầu tư công, thương mại quốc tế, luật và quản trị công. Một nhóm nghiên cứu điển hình thường do một giảng viên giàu kinh nghiệm của FSPPM điều phối, với sự hợp tác chặt chẽ của các đồng nghiệp ở Đại học Harvard, của một số nhà nghiên cứu ở các trường đại học hay viện nghiên cứu, và của chuyên gia trong khu vực tư nhân ở Việt Nam.
FSPPM nhìn nhận rằng số liệu thống kê hiện tại có thể chưa hoàn thiện và thể hiện được tổng thể bức tranh chính xác của các vấn đề liên quan đến chính sách. Để đạt được độ chính xác toàn diện, ta cần nỗ lực nghiên cứu thực địa, xây dựng những mối cộng tác với các cơ quan thuộc cả lĩnh vực công và lĩnh vực tư nhân. Trong một thế giới toàn cầu hóa, một đất nước không thể chỉ được nhìn nhận một cách biệt lập; ta cần phải cân nhắc thêm những mối quan hệ kinh tế tương quan giữa nó với các nước khác. Qua mối quan hệ hợp tác với Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard, FSPPM có cơ hội tiếp cận với một nguồn kiến thức quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế ở Đông Á và Đông Nam Á.
Theo đó, dù xuất hiện dưới hình thức nào, chủ đề thuộc lĩnh vực nào, hay thành phần nhóm nghiên cứu bao gồm những ai thì các bài nghiên cứu của FSPPM cũng luôn có tính phản biện trên tinh thần khoa học và xây dựng, với mong muốn góp phần nhận dạng vấn đề chính sách của Việt Nam một cách khách quan và chính xác hơn cũng như đưa ra những khuyến nghị chính sách thích hợp và hiệu quả hơn
Nghiên cứu chính sách
Các bài Đối thoại Chính sách và Nghiên cứu Chính sách của FSPPM được thực hiện theo đề nghị của Chính phủ trong khuôn khổ của Chương trình Lãnh đạo Cao cấp Việt Nam (VELP) hoặc để đáp ứng trước một số thách thức kinh tế mà Chính phủ đang cần tham vấn. Chủ đề của các bài Đối thoại chính sách bao gồm nhiều vấn đề chính sách đa dạng, từ khắc phục bất ổn kinh tế vĩ mô đến đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế.
Các bài Nghiên cứu chính sách có thể xuất hiện dưới hình thức các bài nghiên cứu hàn lâm hay bài phân tích chính sách. Những nghiên cứu độc lập, khách quan, trên tinh thần xây dựng của nhà trường trong thời gian qua được công nhận là đã góp phần nâng cao chất lượng của thảo luận chính sách công ở Việt Nam.